Với mức tăng này, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thành phố đã giảm tốc so với cách đây một tháng, nhưng nếu không xét đến năm 2008, năm khủng hoảng kinh tế, thì đây là tháng 5 có mức tăng cao nhất của nhiều năm trở lại đây.
Điểm bất thường của CPI tháng này tại Tp.HCM là mức tăng cao nhất thuộc về nhóm thuốc và dịch vụ y tế ở mức 4,25% cao hơn so với tháng trước, do sự tăng đột biến của các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.
Đứng thứ 2 trong mức tăng cao thuộc về nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chốt ở mức 3,77%. Mặc dù phần lớn những mặt hàng trong danh mục bình ổn giá của thành phố năm 2011 thuộc nhóm này, nhưng những ảnh hưởng từ giá gạo thế giới, quyết định nâng giá các mặt hàng trong chương trình bình ổn (nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường) đã khiến nhóm hàng thiết yếu này đạt mức tăng kỷ lục kể trên.
Ngoài ra, chi phí chăn nuôi, thức ăn gia súc, nhân công đang trong xu hướng tăng cũng khiến cho giá bán các loại thực phẩm như lợn, bò, gà, nhiều loại thủy sản tiếp tục tăng cao.
Ngoài 2 nhóm trên, do ảnh hưởng từ các đợt tăng giá trong tháng trước cũng khiến cho hai nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và nhóm giao thông tăng khá cao ở mức lần lượt là 2,9% và 2,77%.
Mặc dù trong tháng có các ngày nghỉ lễ khá dài nhưng cũng chỉ khiến nhóm văn hóa thể thao giải trí tăng nhẹ 0,28%. Đây là mức tăng thấp của nhóm này trong 5 năm gần đây, phần nào phản ánh nhu cầu vui chơi giải trí của người dân bị ảnh hưởng đáng kể sau các đợt tăng giá gần đây.
Trong tháng, duy nhất chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,72%, còn lại các nhóm hàng khác tăng nhẹ từ 0,03 đến 1,57%.
Giá vàng và USD của TP.HCM trong tháng có những diễn biến trái chiều khi đạt các mức lần lượt là tăng 1,57% và giảm 2,66%.